Nhận xét một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị u quái không thuần thục ở buồng trứng
Nhận xét một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị u quái không thuần thục ở buồng trứng.Ung thư buồng trứng là bệnh lý phụ khoa ác tính thường gặp, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư sinh dục ở nữ giới. Theo GLOBOCAN 2012, thế giới có khoảng 239.000 ca mới mắc và 152.000 ca tử vong do ung thư buồng trứng, đứng thứ 7 về tỷ lệ mắc trong các ung thư thường gặp ở phụ nữ. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc UTBT là 2,6/100000, tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi là 1,9/100000, số ca mới mắc là 1254. [1]
Ung thư buồng trứng gồm ba nhóm chính là ung thư biểu mô, u tế bào mầm và u đệm sinh dục. U tế bào mầm chiếm 20-25% tổng số các ca u buồng trứng nói chung, bao gồm u lành tính (u quái thuần thục) và các u ác tính [2]. U ác tính bao gồm u nghịch mầm, u túi noãn hoàng, ung thư biểu mô phôi, ung thư biểu mô đệm nuôi, u tế bào mầm hỗn hợp và u quái không thuần thục [3].
U quái không thuần thục buồng trứng (immature teratoma of ovary) là thể mô bệnh học thường gặp nhất trong ung thư tế bào mầm buồng trứng (UTTBMBT), chiếm 35,6% tổng số u tế bào mầm ác tính trên thế giới giai đoạn 1973-2002 theo Smith H.O (2006) [2]. Tại Việt Nam theo Tạ Văn Tờ, Lê Trung Thọ thì tỷ lệ này còn cao hơn, chiếm từ 38,7% đến 56,2% [4], [5],[6]. U có nguồn gốc từ 2 hoặc 3 lớp biểu mô bào thai: ngoại bì, trung bì và nội bì. Dựa vào thành phần biểu mô thần kinh chưa thuần thục người ta chia thành 3 độ mô học. Đây là thể mô bệnh học duy nhất trong các khối u tế bào mầm buồng trứng được phân độ mô học. Bệnh thường gặp ở trẻ gái và phụ nữ trẻ với độ tuổi mắc bệnh trung bình từ 19 đến 27 tuổi [7],[8]. Do đó, lựa chọn phương pháp điều trị cần cân nhắc kỹ lưỡng việc bảo tồn chức năng sinh sản cho người bệnh. Trong vài thập kỷ qua, với sự phát triển các hóa chất mới cùng với các phác đồ hóa trị liệu tổng hợp, thời gian sống thêm của bệnh nhân u quái không thuần thục đã được cải thiện đáng kể. Nhiều nghiên cứu cho thấy, điều trị phối hợp phẫu thuật và hóa trị không những kéo dài thời gian sống thêm mà còn có thể bảo tồn chức năng sinh sản của người bệnh [9], [10], [11], [12].
Trên thế giới, đã có các nghiên cứu về UTTBMBT nói chung và u quái không thuần thục buồng trứng nói riêng, phần lớn các nghiên cứu về u quái không thuần thục có cỡ mẫu nhỏ. Tại Việt Nam đã có một số nghiên cứu về UTTBMBT như của Đỗ Thị Phương Chung [13]; Võ Thanh Nhân, Nguyễn Quốc Trực (2007) [14], Nguyễn Thị Hương Giang (2013) [12]. Các nghiên cứu này đánh giá chung về ung thư tế bào mầm buồng trứng và số lượng bệnh nhân u quái không thuần thục có cỡ mẫu nhỏ, không có phân tích riêng cho nhóm này.
Bệnh viện K là một trung tâm lớn trong nước điều trị bệnh ung thư nói chung và u quái buồng trứng không thuần thục nói riêng, nhưng đến nay còn ít nghiên cứu riêng về thể bệnh này. Chính vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nhận xét một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị u quái không thuần thục ở buồng trứng” với 2 mục tiêu:
1. Nhận xét một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của u quái không thuần thục buồng trứng tại bệnh viện K từ 1/2010 đến 6/2017.
2. Đánh giá kết quả điều trị và một số yếu tố liên quan đến thời gian sống thêm của nhóm bệnh nhân trên.
Recent Comments